Có thể bạn chưa biết: Quần đảo Cát Bà đã đoạt 11 danh hiệu Quốc gia và Quốc tế. Đây cũng là địa điểm quay bộ phim King King của đạo diễn lừng danh Jordan Vogt-Roberts
-
Top 3 Vườn quốc gia đầu tiên của cả nước.
Năm 1986, Cát Bà trở thành Vườn Quốc Gia. Đây là một trong ba Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam: Cúc Phương (1966), Tam Đảo (1986) và Cát Bà.
Vườn quốc gia Cát Bà có diện tích tự nhiên là 26.240 ha. Trong đó 17.040 ha đất đảo và 9.200 ha mặt nước biển với gần 400 hòn đảo, hơn trăm hồ nước mặn. Vườn thuộc địa phận hành chính của các xã: Gia Luận, Phù Long, Hiền Hào, Xuân Đám, Trân Châu, Việt Hải và thị trấn Cát Bà.
-
Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Ngày 02 tháng 12 năm 2004, Cát Bà được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyền Thế Giới.
Hệ thực vật trên đảo có 1585 loài thực vật rừng, trong đó có nhiều cây gỗ quý như Trai lý, Lát hoa, Lim xẹt, Chò đãi… Thực vật ngập mặn 30 loài, rong biển 102 loài, hơn 400 loài phù du. Hệ động vật trên quẩn đảo bao gồm: 282 loài động vật sống trong rừng, 538 loài động vật sống ở đáy biển, 196 loài cá biển, 177 loài san hô.
Trên quần đảo có 7 hệ sinh thái, bao gồm: (1) Hệ sinh thái rừng mưa nguyên sinh trên đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam. (2) Hệ sinh thái rạn san hô phát triển bậc nhất Vịnh Bắc Bộ. (3) Hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất ở đảo Việt Nam. (4) Hệ sinh thái vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc ít nơi có được. (5) Hệ sinh thái hồ nước mặn. (6) Hệ sinh thái hang động trên cạn và hang ngầm nước ngọt. (7) Hệ sinh thái đáy biển Cát Bà.
-
Nhãn hiệu chứng nhận khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên (2007)
Nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) quần đảo Cát Bà đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn cầu.
Biểu tượng của Khu dự trữ có hình tròn 3 màu xanh dương, xanh lá cây, đen. Các màu chuyển tiếp từ đen đến vàng nhạt trên hình con linh trưởng Voọc đầu vàng ở vị trí trung tâm. Hình ảnh những dãy núi đá vôi màu xanh lá cây phía trên thể hiện núi đá vôi với tán lá rừng xanh phủ kín. Phía dưới là màu xanh nước biển của đại dương.
-
Rừng mưa nguyên sinh trên đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam (2011)
Khu rừng nguyên sinh này là một trong những khu vườn quốc gia lớn nhất đất nước (vườn quốc gia Cát Bà). Diện tích quy hoạch bảo vệ là 15.200 ha, gồm 9.800 ha và 4.200 ha biển.
Rừng Cát Bà đặc trưng bởi kiểu rừng mưa nhiệt đới. Do địa hình, đất đai và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Rừng Cát Bà cũng có nhiều kiểu sinh thái cá biệt như quần hợp Kim giao (tại khu vực gần đỉnh Ngự Lâm); đơn ưu và nước (tại khu vực Ao Ếch).
-
Rạn san hô phát triển bậc nhất ven biển Bắc Bộ (2011)
Các rạn san hô ven đảo Cát Bà có diện tích ước tính khoảng 85ha. Rạn san hô phân bố rải rác và thường nhỏ, hẹp. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được ở hải phận Cát Bà 193 loài thuộc lớp san hô, trong đó bộ san hô cứng 166 loài, 27 loài còn lại thuộc các bộ san hô bò, san hô mềm, san hô sừng.
Các rạn san hô hải phận Đông – Nam đảo Cát Bà kéo dài đến Hang Trai – Đầu Bê có giá trị cho bảo tồn và du lịch sinh thái của Hải Phòng và cũng là một trong những trọng tâm phát tán nguồn gien của vịnh Bắc Bộ.
Các khu vực có rạn san hô tốt là các đảo Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào (đông nam Cát Bà), cụm đảo Đầu Bê – Hang Trai và Long Châu. Đặc biệt, cá sống trong rạn san hô ở hải phận Cát Bà có rất nhiều màu sắc. Các tour du lịch lặn ngắm san hô ngày càng được du khách đến Cát Bà yêu thích
-
Rừng ngập mặn lớn nhất ở đảo Việt Nam (2011)
Rừng ngập mặn Cát Bà có diện tích khoảng 9200ha (có tài liệu nói diện tích 11.000ha). Phần lớn diện tích rừng nằm ở phía Tây Bắc đảo với các loại họ Đước, O zô, ráng, cỏ roi ngựa, thầu dầu, trang, sú, Mắm…
Tại Phù Long, hàng trăm hecta rừng đã được trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ. Việc trồng rừng đã góp phần làm nên một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn tại Cát Bà.
-
Có nhiều hồnước mặn nhất
Khu vực Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã có số lượng từ 119 – 138 hồhồ nước mặn. Kiểm tra trên Google Earth, tác giả Jaap Jan Yermeulen ước tính có khoảng 400 hồ nước mặn trên toàn thế giới.
Như vậy riêng vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà chiếm khoảng 1/3 hồ nước mặn toàn cầu. Trong đó hồ Hang Vẹm ( 28,8 ha ) là hồ lớn nhất….
-
Kỉ lục Quần đảo có nhiều đảo nhất Việt Nam (2012)
Quần đảo Cát Bà là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam. Tại đây có gần 400 hòn đảo lớn nhỏ với đủ các hình dạng kỳ thú được mệnh danh là chuỗi ngọc xanh giữa biển khơi. Trong đó đảo chính Cát Bà được mệnh danh là đảo ngọc.
-
Di tích quốc gia đặc biệt (2013)
Quần đảo Cát Bà chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử biển Việt Nam. Nơi đây có các di tích từ thời tiền sơ sử đến Trung đại, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các di chỉ thời tiền sử ở quần đảo Cát Bà được giới khoa học đánh giá cao trong diễn trình nghiên cứu văn hóa khảo cổ tiền sử vùng duyên hải Bắc Bộ. Trong đó, di chỉ Cái Bèo là một trong số những di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất.
-
Vịnh Lan Hạ thành viên hiệp hội Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới (2020)
Năm 2020, Vịnh Lan Hạ trở thành thành viên Hiệp hội Câu lạc bộ Vịnh đẹp thế giới (MBBW). Ông Michel Bujold, Chủ tịch MBBW, cho biết Hội đồng quản trị hiệp hội đã thông qua báo cáo thẩm định và nhận được 100% biểu quyết nhất trí với hồ sơ đề cử của vịnh Lan Hạ.
Nam tài tử Leonardo DiCaprio nhận định nơi đây giống như một thiên đường.
-
Loài linh trưởng hiếm nhất châu Á
Rừng nguyên sinh Cát Bà là nơi sinh sống của loài Voọc Đầu Vàng quý hiếm (với chỉ khoảng 70 cá thể). Loài Voọc này cũng nằm trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Đây là loài động vật đặc hữu của Cát Bà. Ngoài ra, Cát Bà còn có tới 60 loài đặc hữu quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Trong đó có các loài tiêu biểu như: voọc đầu trắng, voọc quần đùi trắng, quạ khoang, sóc đen…