Lần đầu trekking hang động lớn thứ tư thế giới

5

Một tháng trước khi khởi hành tới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Phương Uyên đạp xe mỗi ngày 10 km, rèn luyện thể lực để đủ sức khỏe tham gia hành trình.

Phương Uyên, nhân viên văn phòng, sống tại TP HCM, đã chi gần 13 triệu đồng để tham gia tour trekking hang Hổ – hang Over – hang Pygmy. Đây là lần đầu Uyên đi trekking.

Uyên chia sẻ cung trekking cô chọn dài 3 ngày 2 đêm, được đơn vị tổ chức tour đánh giá ở mức khó. Vì vậy, để đảm bảo đủ sức khỏe suốt hành trình, Uyên phải đạp xe 10 km mỗi ngày trong một tháng trước khi khởi hành, kết hợp các bài tập luyện tay, chân. “Những người chưa từng trekking hoặc ít vận động vẫn có thể trải nghiệm cung trekking này. Lịch trình được chia đều ra 3 ngày để phù hợp với nhiều đối tượng”, Uyên nói.

Nữ du khách cho biết đã đi qua các địa hình, cung đường khác nhau từ leo dốc 45 độ, đến bơi trong hang, vượt qua những mỏm đá hiểm trở, đi bộ hơn 3 km trong hang tối. Người tham gia phải trekking tổng cộng 21 km, khám phá 6,5 km hang động, bơi trong hang 500 m.

Ngày đầu, du khách khởi hành từ Phong Nha, đi qua đường 20 Quyết Thắng, đến hang Hổ và dựng trại qua đêm tại hố sụt Kong. Ngày thứ hai, đoàn khám phá hố sụt Kong, hang Hổ, hang Over, hang Pygmy – được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) công nhận là hang động lớn thứ tư trên thế giới. Ngày cuối, đoàn ra khỏi hang và kết thúc hành trình. Hành trình có hướng dẫn viên đoàn, trợ lý an toàn và các porter hỗ trợ du khách mang vác đồ đạc.

Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, sinh sống tại Phong Nha, Quảng Bình, hướng dẫn viên đoàn trekking, tiêu chí quan trọng nhất khi dẫn tour du lịch mạo hiểm là đảm bảo an toàn cho du khách. Nam hướng dẫn viên chia sẻ từ tháng 2 đến 8 là mùa cao điểm du lịch khám phá hang động, thời tiết tạnh ráo, không xảy ra bão lũ. Trung bình một tháng, anh Cường dẫn 8 đoàn tham gia tour.

“Tôi khá lo lắng khi dẫn đoàn của Phương Uyên vì có những người chưa từng trekking. Lo nhất lúc bơi qua cửa số 1 hang Hổ để vào hố sụt Kong, đoàn phải bơi hơn 300 m dưới làn nước lạnh, có người không biết bơi. Tôi vừa bơi vừa ngoái lại chờ, chỉ sợ có người bị nhiễm lạnh hoặc chuột rút. Nhưng rất may mọi người đều an toàn”, anh Cường chia sẻ.

Phương Uyên cho hay mới tập bơi nên quãng đường bơi tổng cộng 500 m trong hành trình là một thử thách. Khi xuống nước, du khách được trang bị áo phao, đèn và có trợ lý an toàn kèm hỗ trợ dọc đường. “Khó khăn nhất là thời tiết Quảng Bình cuối tháng 2 khá lạnh, nhiệt độ nước xuống thấp, bơi trong nước lạnh như nước đá và xuyên hang tối là một trải nghiệm khiến tôi hơi sợ”, Uyên nói.

Ngoài ra, một thử thách khác với Uyên là đu dây trên vách đá trong ngày thứ hai của hành trình. Do sợ độ cao nên Uyên khá phần bối rối khi bắt đầu. Đoạn này cần men theo dây an toàn đi dọc vách đá và đu dây từ sống lưng khủng long để đi đến hang Pygmy.

Theo hướng dẫn viên đoàn, cung trekking hang Hổ không làm khó những du khách thường xuyên tập thể thao. Những người ngồi văn phòng nhiều, ít vận động thể chất như Uyên vẫn có thể tham gia. Tuy nhiên, những người này phải giữ nền tảng thể lực tốt, tinh thần thoải mái, đội ngũ porter và trợ lý an toàn sẽ hỗ trợ.

Thử thách khó nhất là buổi sáng ngày cuối cùng phải leo qua đoạn dốc Cỏ. Uyên chia sẻ con dốc này được các anh hỗ trợ trong đoàn gọi vui là dốc “má ơi”, vì leo lên leo xuống dốc này mệt đến mức phải gọi “má ơi”. Người tham gia phải vượt qua đoạn dốc đến 45 độ. Lúc này là đã ngày cuối của hành trình, cơ thể mệt, chân đau nên leo lên dốc và xuống dốc là một thử thách khá lớn với những người lần đầu trekking như Uyên.

 

Giữ vệ sinh cá nhân trong suốt chuyến đi quan trọng nhưng vấn đề bảo vệ môi trường hang động và rừng nguyên sinh tại Quảng Bình luôn được ưu tiên hàng đầu.

“Mang vào rừng cái gì sẽ gùi về cái đó, nhất là rác nhựa không phân hủy được”, anh Mạnh Cường nhấn mạnh. Nam hướng dẫn viên cho biết những rác thải hữu cơ sẽ xử lý bằng cách chôn vào đất, cơm đem làm thức ăn cho động vật xung quanh. Việc xử lý rác hữu cơ này tuân theo quy trình phân hủy vi sinh, chôn từ từ.

Ngoài vấn đề an toàn, chuyện vệ sinh cá nhân trong hành trình khám phá cũng được nhiều du khách quan tâm. Uyên chia sẻ đơn vị tổ chức tour chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho du khách như xà phòng sinh học, khăn giấy và trấu.

Porter phụ trách mang đồ vệ sinh và xử lý chất thải. Tour sử dụng nhà vệ sinh ủ trấu sinh học. Chất thải được đổ trấu lên, đem chôn để từ từ phân hủy trong môi trường. Trước khi vào hang động, du khách phải đi vệ sinh bên ngoài rừng, không được đi vệ sinh trong hang. Uyên kể lại trong 3 ngày trekking, nữ du khách không tắm, chỉ làm sạch nhờ bơi, ngâm mình dưới nước.

Đoàn của Uyên được ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa. Đồ ăn đem theo có hạn sử dụng trong 3 ngày, đựng trong thùng xốp, hút chân không, cấp đông, giữ lạnh bằng đá. Những tour kéo dài sang ngày thứ 4 phải có người tiếp tế thêm lương thực vào rừng. Quy trình nấu nướng sử dụng bếp ga, cơm nấu bằng than để tránh việc lấy củi từ rừng.

Nhờ sự hỗ trợ của các porter, trợ lý an toàn, hướng dẫn viên, đoàn trekking 11 người của Uyên không ai bỏ cuộc giữa chừng. “Tôi là người đi chậm nhất nhưng cũng cố gắng hoàn thành. Hành trình rất mệt nhưng khi vượt qua mới phá bỏ được giới hạn của bản thân”, Uyên bày tỏ.

Bích Phương
Ảnh: NVCC

Deputy Director of Aroma Company
Bài đã đăng: 60
Top
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x