Làng Chài Cái Bèo – Di Sản Văn Hóa Lịch Sử Độc Đáo

5

Làng chài Cái Bèo, còn gọi là làng chài Vụng O, nằm trên Đảo Ngọc thuộc quần đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải; đây là một trong những ngôi làng nổi cổ lớn nhất Việt Nam thời tiền Sử, là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam; là điểm du lịch biển đảo của thành phố Hải Phòng.

Di chỉ Cái Bèo – Bảo tàng văn hóa biển Việt Nam

 

Di chỉ Cái Bèo tại toạ độ 20o43’8” vĩ Bắc và 107o3’2” kinh Đông, cách trung tâm thị trấn Cát Bà 1,5 km, rộng khoảng 800 m2, cao trung bình 4m so với mặt nước biển, địa tầng dày trung bình 3m; là một thung lũng phẳng, kín gió, ba mặt núi đá vôi bao bọc, phía Đông hướng ra biển. Di chỉ được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay, là một bảo tàng văn hoá biển Việt Nam.

 

Năm 1938, nữ khảo cổ học người Pháp, M.Colani đã phát hiện di chỉ ngoài trời là Vịnh Làng Chài Cái Bèo và khẳng định đây là nôi văn hoá cổ của Việt Nam. Sau đó, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khảo sát và manh nha phát hiện nôi văn hoá biển; năm 1981, phát hiện nhiều hiện vật đá, đến năm 1986, tìm được gần 180 công cụ đá bao gồm: công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú… Những mẫu vật thu thập được đã khẳng định, di chỉ Cái Bèo gồm hai giai đoạn văn hoá là văn hóa tiền Hạ Long và văn hoá Hạ Long.

 

Từ 5/12/2006 đến 1/2007, đã thu được từ 10 hố có 137 hiện vật được làm từ đá granít, 1.424 mảnh gốm tiền sử (gốm vặn thừng dập thô, không se) và 568 tiêu bản di cốt động vật, xương cá, vỏ nhuyễn thể biển như vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn.

Các bằng chứng khảo cổ tìm được cho thấy, cái Bèo là nơi cư trú của cư dân cổ, phát triển qua nhiều thời đại từ Trung kỳ đá mới đến Sơ kỳ đồ đồng. Từ săn bắt, hái lượm, đánh cá sang định cư nông nghiệp được coi là quá trình phát triển văn hoá Cái Bèo sang văn hoá Hạ Long. Giai đoạn cách từ 4.500 đến 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu. Đây là làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam.

 

Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009[1].

Ngày nay

Ngày nay, Cái Bèo là một làng chài có khoảng 300 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi hải sản. Làng chài gồm nhiều nhà thuyền, nhà nổi kết liền, kết lại san sát với nhau. Cư dân làng chài gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng và du lịch.

Bên trên là thông tin về làng chài được mình sưu tầm được, còn dưới đây là 1 phần nhỏ hiểu biết của mình về làng chài cái Bèo cho mọi người tham khảo thêm:

  • Trong các chương trình tour tham quan vịnh Lan Hạ đều có tham quan làng chài cái Bèo. Lí do là vì làng chài cái Bèo nằm ngay đầu tuyến đường ra vịnh Lan Hạ, bắt đầu từ bến Bèo ( nơi các bạn lên tàu đi tham quan vịnh Lan Hạ )
  • Địa phận mà các bạn đi qua làng chài cái Bèo là đầu làng và bên trong còn trải dài tới tận hang Vẹm
  • Khi mà đi qua đầu làng chài cũng là lúc các bạn vừa mới lên tàu để xuất phát đi tham quan vịnh nên mọi người còn mải sắp xếp đồ đạc, chỗ ngồi trên tàu, check in sống ảo rồi hỏi và tìm hiểu xem hnay mình sẽ đi những đâu, làm những gì cho nên không để ý tới xung quanh
  • Với các chương trình tour từ gần tới xa mùa này khi mà lượng khách đông thì hầu hết các điểm tham quan trên vịnh đều rất đông người, và khi mà đông người thì thời gian ở các chương trình tour của mọi người sẽ bị xê dịch, rồi khách về sớm để về cho kịp giờ xe và giờ phà, hoặc khi đi vịnh về mọi người thường lăn ra ngủ và gần tới bến thì mọi người lại sắp xếp đồ đạc hành lí để chuẩn bị rời tàu nên rất ít người để ý tới làng chài cái Bèo
  • Và thực tế hơn nữa là thời gian tham quan của mọi người nhiều hơn thì mọi người sẽ đủ thời gian để cảm nhận vẻ đẹp của từng địa điểm rõ hơn đó là vấn đề rất nhiều người thấy hay ho, thú vị ở làng chài cái Bèo còn nhiều người lại thấy không có gì. Hơn nữa với mỗi người có 1 cái cảm nhận khác nhau
  • Còn đối với mình khi mình đang sinh sống và làm việc ở đây, các bạn hỏi mình làng chài cái Bèo có đẹp không mình sẽ trả lời là rất đẹp, đẹp ở chỗ nào mình sẽ chia sẻ cho các bạn ở dưới nhé:

 

– Là cảnh những ngôi nhà nhỏ xíu trên mặt nước được sơn đủ các màu theo sở thích của chủ nhà, bên cạnh nhà là các ô vuông lồng bè (chủ yếu bằng gỗ) bên dưới có lưới để nuôi cá với nguồn nước tự nhiên của biển

– Là cảnh những chú chó được nuôi ở bè thấy có tàu hay người lạ nào gần tới bè là dài cổ sủa um lên mặc dù biết thừa là không cắn được rồi ngã cái thùm phát xuống biển rồi lại lóp ngóp bơi trèo lên bè

-Là cảnh người dân cho cá ở lồng bè ăn ( thả mồi xuống ô lồng hàng trăm con cá tranh nhau nhảy lên đớp mồi hơi hỗn loạn tí nhưng vui mắt )

– Cảnh trẻ con trèo bơi ( cái thuyền nan nhỏ chèo bằng tay địa phương ở đây gọi là bơi nhé ) đuổi nhau nô nghịch từ bè nhà mình sang bè hàng xóm và ngược lại

Rồi bắt gặp khoảnh khắc những đứa bé đứng trên bè nhảy thùm xuống nước tắm, bơi, nô nghịch

Hay cho đến  cảnh cô hàng ăn sáng, thực phẩm, nước non, … chèo bơi đi bán hàng từ nhà nọ sang nhà kia

– Là  cảnh người dân chèo bơi đi thả lưới đánh cá rồi kéo lưới xem thu hoạch được nhiều không

– Là  cảnh người dân lúc rảnh rỗi ngồi thả bát cước câu ngay bên rìa lồng bè nhà mình ( cái phần này thường là câu được cá to sẽ ăn, có khách thì bán luôn, cá bé quá thả vào lồng nhà mình nuôi luôn cho lớn rồi bán )

  • Ở làng chài cái Bèo thì hiện tại đã được nhà nước hỗ trợ nên có điện lưới và nguồn nước sạch kéo từ trên đảo Cát Bà mặc dù giá điện và nước có phần cao hơn trên bờ 1 chút nhưng đảm bảo cho nhân dân sinh sống nên gọi là ổn định rồi
  • Với địa lí nằm dọc theo lạch biển từ biển Đông vào qua bến Bèo rồi đi thẳng tới cái Bèo và xung quanh là núi rừng nên mùa gió Nam này ở dưới Bèo khá là mát mẻ. Thậm chí là khi khách du lịch và nhân dân trên thị trấn đang ngủ phát điên người vì mất điện giữa đêm ( cái này thường là do quá tải đường điện ) thì những người dân dưới Bèo vẫn chùm chăn ngủ say chẳng biết gì
  • …. Còn nhiều cái hay lắm không kể hết được, nếu các bạn có thời gian sinh sống, làm việc ở Cát Bà và chịu khó đi chơi lúc rảnh như mình thì sẽ gặp hết
  • Vấn đề vệ sinh môi trường thì hiện tại chính quyền đã không cho phép người dân phát triển rộng mô hình lồng bè và chăn nuôi thủy hải sản, lí do là ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cảnh quan, nguồn nước cho ngành du lịch thậm chí còn có ý kiến thu hẹp, di chuyển các hộ dân dưới làng chài lại nhưng vì truyền thống người dân sinh sống ở đây rất lâu rồi, từ đời cha sang đời con nên đó là 1 vấn đề khá đau đầu với chính quyền địa phương

Với khách du lịch mình có 1 vài lời khuyên cho các bạn :

  • Với thời gian hạn chế của mọi người khi lên tàu đi tham quan vịnh, trước hết nghe lời của HDV ổn định chỗ ngồi và ngắm luôn cảnh quan bên tàu ( đó đã là làng chài cái Bèo )
  • Sau lần đầu đi cho biết tới lần sau muốn thoải mái hơn các bạn có thể thuê thuyền nhỏ đi quanh làng chài, nhiều thời gian rảnh hơn nữa mọi người có thể xuống bè chơi tham quan trên bè nhà 1 người dân nào đó, câu cá trải nghiệm, cho cá ăn, … Người dân ở dưới bè khá là thân thiện với khách nhé!

 

Đó, hiểu biết sơ sơ của mình là như vậy, hiện tại mình đang trên trên tầng 2 tàu Huy Kiên 18 ( lúc đang không có khách ) neo ở trong hang Vẹm đợi đứa e đi câu cá trong hang Vẹm chắc chắn bài viết của mình có thiếu thiếu nhiều nhiều chi tiết hơn nữa vì mình rất lười viết văn nhưng chắc cũng đủ 1 phần sơ sơ cho mọi người tham khảo

Khuyến khích mọi người trước khi đi du lịch nên tìm hiểu kĩ địa điểm mình đi tham quan có những gì đẹp và không đẹp, có hợp với sở thích của mình không, khi bạn hiểu rõ bản thân mình muốn gì ở chuyến đi và nơi đó có gì hợp với mình thì chắc chắn bạn sẽ có chuyến đi thoải mái, tuyệt vời hơn là đi vì mọi người, đi vì thấy người khác đi về có ảnh đẹp.

Catba Hello

Deputy Director of Aroma Company
Bài đã đăng: 60
Top
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x